Tiêu hóa kém nên ăn gì để tốt cho đường ruột
Tiêu hóa kém nên ăn gì? Câu hỏi này được rất nhiều người chia sẻ trong các buổi hội thảo về sức khỏe đường tiêu hóa. Những người thuộc nhóm này thường không có bệnh nhưng hay bị đau bụng, dân gian thường gọi vui là xấu bụng.
Thông thường, khi ăn nhiều sẽ giúp cơ thể tăng cân. Tuy nhiên, ở những người bị tiêu hóa kém, dù ăn nhiều và đủ chất nhưng việc chuyển hóa dinh dưỡng kém dẫn đến khó tăng cân. Điều này xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ.
Muốn tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng tiêu hóa kém, chúng ta hãy bắt đầu từ ruột non – bộ phận quan trọng nhất của hệ tiêu hóa và là nơi diễn ra quá trình tiêu hóa cuối cùng giúp chuyển hóa thức ăn thành những chất dinh dưỡng cơ thể dễ hấp thu.
Vai trò của ruột non trong hệ tiêu hóa
Cấu tạo của ruột non gồm 3 phần (tá tràng, hỗng tràng, hồi tràng) và 4 lớp cơ bản (màng bọc, lớp cơ, lớp dưới niêm mạc, lớp niêm mạc). Bề mặt niêm mạc ruột non được bao phủ bởi các nhung mao, vì thế, diện tích bề mặt của ruột non tăng lên rất nhiều và giúp cho quá trình hấp thu dinh dưỡng được triệt để hơn. Ngoài ra ruột non còn có các mạch máu và mao mạch bạch huyết phân bố với mật độ khá dày đặc tới từng lông ruột.
nguồn ảnh: WebMD
Những đặc điểm tự nhiên trong cấu trúc cơ học tại ruột non đã trao cho ruột non một vai trò rất quan trọng. Ruột non có nhiều loại dịch tiêu hóa (dịch tụy, dịch mật, dịch ruột) trong đó chứa các loại enzyme tiêu hóa khác nhau (enzyme phân giải tinh bột, enzyme phân giải protein, enzyme phân giải chất béo) với hoạt tính cao nên có khả năng phân giải thức ăn thành các chất đơn giản mà cơ thể có thể hấp thu được.
Đặc biệt hơn cả, lớp niêm mạc ruột non có cấu trúc đặc thù và là nơi diễn ra các phản ứng sinh học tinh vi, phức tạp qua đó giúp cho việc hấp thu các chất dinh dưỡng một cách chủ động và chọn lọc.
Nguyên nhân của tiêu hóa kém khiến cơ thể không tăng cân
Cơ thể thiếu hụt enzyme tiêu hóa: Đây là những enzyme có vai trò tiêu hóa và giúp cơ thể hấp thu dinh dưỡng. Nếu cơ thể thiếu hụt enzyme này cơ thể sẽ thiếu dinh dưỡng để nuôi cơ thể khiến bạn khó tăng cân.
Bị mắc các bệnh về đường tiêu hóa như đại tràng, đau dạ dày; các bệnh nhiễm ký sinh trùng đường ruột như sán, giun, amip… Theo các chuyên gia sức khỏe những người mắc các bệnh này cũng sẽ làm giảm khả năng hấp thu của cơ thể và cũng là bệnh thường gặp của những người khó tăng cân.
Dư thừa màng nhầy: Một trong những nguyên nhân tiêu hóa kém dẫn đến kém hấp thu của cơ thể là do tình trạng dư thừa màng nhầy bao phủ niêm mạc ruột, mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, rối loạn dung nạp lactose.
Chế độ dinh dưỡng chưa cân bằng hợp lý: Thực đơn bữa ăn không đủ hàm lượng chất dinh dưỡng cũng làm cho khả năng hấp thụ của cơ thể giảm xuống.
Những món ăn tốt cho đường ruột và tăng cường hấp thu dưỡng chất
Chúng ta đều biết rằng, lựa chọn thực phẩm đúng cách là việc đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe. Trong đó, đường ruột hay hệ tiêu hóa khỏe mạnh chính là chìa khóa “vàng” để bạn sở hữu một cơ thể khỏe mạnh.
Thực phẩm chúng ta ăn vào, chuyển hóa thành chất dinh dưỡng nuôi cơ thể thông qua đường ruột, ăn gì để đường ruột khỏe mạnh là mối quan tâm lớn của nhiều người.
Một điều quan trọng nhưng ít ai để ý đó chính là đường ruột cũng có “sở thích” đặc biệt với một số món ăn và kiêng kỵ với một số thực phẩm.
Dựa trên những nghiên cứu về ảnh hưởng tốt/xấu của món ăn đối với hệ tiêu hóa, các chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe đưa ra 4 nhóm thực phẩm có lợi cho đường ruột nhất bạn nên đưa vào thực đơn để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Các món ăn từ ngũ cốc nguyên hạt
Một trong những món ăn mà đường ruột của bạn “chào đón” nhất chính là ngũ cốc thô. Những món ăn có nguồn gốc từ ngũ cốc khi hầm kỹ để ăn sẽ mang lại những lợi ích lớn cho đường ruột.
Rất tiếc là cuộc sống hiện đại đã làm thay đổi thói quen ăn ngũ cốc ít hơn nhiều so với vài thập kỷ trước đây. Tỉ lệ ngũ cốc trong bữa ăn giảm dần theo thời gian.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo lượng ngũ cốc tốt nhất nên ăn là 20 -30gram một khẩu phần nhưng trên thực tế, mọi người chỉ ăn khoảng 15gram.
Nếu bạn muốn có hệ tiêu hóa tốt, nên chịu khó hầm ngũ cốc (các loại hạt) bằng cách ngâm đậu khoảng 8-12 tiếng, các loại hạt khác từ 2-4 tiếng, nấu ăn sẽ giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Các món ăn từ khoai lang và đậu
Khoai lang chứa chất xơ hòa tan và không hòa tan tương đối phong phú, nếu kết hợp với gạo sẽ trở thành món ăn tốt cho đường tiêu hóa.
Lượng vitamin A, B, C, E, protein, tinh bột, acid amin và hơn 10 loại nguyên tố vi lượng cần thiết (kẽm, sắt, canxi…) có trong khoai lang góp phần quan trọng vào sức khỏe cơ thể.
Đặc biệt, thành phần vitamin C và các acid amin rất có lợi cho hệ tiêu hóa, kích thích nhu động ruột, giúp tiêu hóa thức ăn nhanh và dễ dàng hơn.
Với những người hay bị đầy hơi, táo bón, ăn nhiều dầu mỡ, có hệ tiêu hóa kém, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên ăn khoảng 100 g khoai lang mỗi ngày, tốt nhất là khoai luộc, nhằm giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Ăn các món đậu xanh, đậu đỏ, đậu tương sẽ giúp thúc đẩy trao đổi chất và dễ dàng hấp thụ.
Các món đậu cho quả tươi dùng để xào nấu làm thức ăn không chỉ nhiều chất dinh dưỡng mà còn dễ tiêu hóa. Món đậu khô thì chế biến thành món ăn chính, còn các loại quả đậu thì chế biến thành các món xào luộc, ăn thường xuyên bạn sẽ giảm hiện tượng “xấu bụng”.
Các loại củ quả và rau xanh
Cần tây, cây ngưu bàng, cà rốt và các loại rau củ khác được xem là thực phẩm tốt đối với đường ruột. Đặc biệt là cây ngưu bàng, được thế giới gọi là “sâm phương Đông” bởi nó giàu chất xơ giúp cải thiện nhu động ruột.
Chế biến những món ăn này thành canh hoặc nấu nhừ sẽ giúp đường ruột hấp thụ và tiêu hóa tốt.
Các loại trái cây phổ biên như táo, cam, thanh long, kiwi và các loại quả khác giàu cellulose, hemicellulose, pectin, có tác dụng tích cực đối với sức khỏe đường ruột và ngăn ngừa ung thư.
Các món ăn từ rong biển
Các món ăn từ rong biển chứa lượng chất xơ cao, ít chất béo, giàu khoáng chất và vitamin. Ngoài ra còn có một lượng lớn chất magiê, canxi, iốt và các yếu tố vi lượng khác.
Không những thế, rong biển còn chứa natri alginate và chất xơ hòa tan, là món ăn rất tốt để làm giảm chứng táo bón ở người cao tuổi.
Rong biển có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, trộn kèm với tương, tỏi, dầu mè sẽ trở thành một món ăn hoàn hảo cho hệ tiêu hóa.
Như vậy là qua bài viết này, chúng ta đã hiểu rõ hơn về quá trình tiêu hóa thức ăn tại ruột non và những lời khuyên cho những người tiêu hóa kém nên ăn gì? Những món ăn có chứa nhiều tinh bột, chất xơ, vitamin, nguyên tố vi lượng… sẽ giúp quá trình tiêu hóa tại đường ruột diễn ra triệt để hơn, qua đó, cơ thể sẽ hấp thu được tối đa các chất dinh dưỡng cần thiết.
>> Đọc thêm:
- 7 loại nước ép trái cây giảm táo bón hiệu quả
- Sữa dành cho trẻ táo bón
- Cách chữa rối loạn tiêu hóa ở người lớn
- Xử trí hiệu quả rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh
- Cải thiện hiệu quả rối loạn tiêu hóa ở trẻ em
- Bé bị rối loạn tiêu hóa phải làm gì?
Hương Giang (tổng hợp)
www.menvisinhvn.com
Reply